[2F][Đợt III – Giải nhất] For REALLY BIG Mistakes – P1

Title: For REALLY BIG Mistakes
Disclaimer: Họ không thuộc về tôi và tôi viết fic hoàn toàn với mục đích phi lợi nhuận.
Rating: T
Genre: Mystery, Violence,…
Character: Kang Ho Dong.
Warning:
1.Câu truyện sử dụng bối cảnh Việt Nam – Sài Gòn.
2.Chửi thề hay văng tục là một phần của cuộc sống con người, vậy nên hãy chấp nhận nó.
Note:Tôi vẫn hay gọi phong cách văn của mình là bình dân học vụ, nên nếu bạn có cảm thấy nó thô thiển, trần tục thì cũng không sao cả.

Gói thể loại: Mystery.
Gói thời gian: Đông tàn.

Track: Becomes The Color

For REALLY BIG Mistakes

[IMG]

Nếu các bạn vẫn còn ý định đọc tiếp câu truyện của tôi để biết xem nó như nào thì các bạn nên nhồi nhét nốt đoạn giới thiệu dài dòng này. Tôi tên là Kang Ho Dong, người Hàn lai Việt. Bố tôi là Việt gian hay còn gọi là bộ đội chạy trốn để đầu quân cho lính Ngụy, sau được đề cử sang Hoa Kỳ. Cuộc đời ổng khá phất cho đến khi ổng cưới mẹ tôi trong lần đi lính ở Nam Triều Tiên. Ổng bị đứt gân một chân do mìn, đi cà thọt, mang vợ con về Việt Nam và bị đối xử như một con chó. Nói thật ra, ổng cũng chẳng khác một con chó là mấy. Mẹ tôi chết sớm, tôi biết bả sẽ đếch thể sống nổi với cái hoàn cảnh túng bấn đó. Năm mười tám tuổi, tôi được chú Thanh bảo lãnh sang Mỹ để thừa kế ngôi nhà to bằng cái lỗ mũi và khoản tiền điện nước ngập đầu mà chú bảo rằng “Chú đã lo hết rồi, mày cứ việc sang ở.”. Và khốn nạn hơn, ổng chết ngay trong nhà.
Tôi bắt đầu ở New York và kết thúc ở New Mexico, bán căn nhà cũ và thuê một căn hộ đếch thể nào xập xệ hơn. Cụ thể là vẫn chưa thể ở yên trong ‘căn hộ đếch thể nào xập xệ hơn’ của mình thì tôi đã phải vào nhà tù tiểu bang nhìn bọn Mễ mắc dịch lượn qua lượn lại trước mặt vì ‘cái tội đếch thể nào nhảm nhí hơn’ là vượt quá tốc độ, tất nhiên là không dừng lại ở đó, tôi có xây xát chút đỉnh với tên cảnh sát. Trước khi tôi kịp ăn mấy cái vòng hành tây lớn đầy mỡ trong lúc ngồi chễm chệ yên lành trong con Toyota Tercel 1984 cũ kỹ của mình. Chó má làm sao, vâng, ai nói chỉ có bọn Mỹ phân biệt chủng tộc, bố chỉ nhỡ nhấn chân ga lố có tí ti thôi.
Cuộc đời tôi là một mớ hổ lốn những sự kiện chẳng đáng để bạn quan tâm nhưng cái thằng lù khù trước mặt tôi muốn tôi kể nó. Thằng đó tên là Kumar, bạn tù của tôi, tạm thời gọi vậy cho nó oách. Thằng Kumar là người Afghanistan, con trai của hai người bố. Trông nó như mọt sách hoặc là kiểu sát nhân tâm thần phân liệt, bọn đó rất thích đeo đít chai và cầm vài cuốn sách. Tôi có thể hiểu nôm na tại sao nó bị tóm cổ vào đây. Nói chung là vẫn không hiểu làm sao hai ông già của nó cưới được nhau và đẻ ra nó, nó bảo nó cùng huyết thống với cả hai. Chuyện chả tin được, đại loại vậy. Nhưng so với chuyện tôi sẽ kể với nó thì chuyện gia đình nó chỉ là xương cá mòi nằm dưới đít hộp thiếc.
PHẦN MỘT
SỐNG MÒN
*

Tôi sống ở Sài Gòn, cách gọi cũ kĩ của những người sinh năm 80 hoặc trở về trước. Nhưng khi bạn đi làm chứng minh nhân dân, người ta bắt bạn phải khai Thành phố Hồ Chí Minh hoặc chữ viết tắt của nó. Nếu không, bạn sẽ bị chửi vào mặt bởi một con mụ kiểm kê giấy tờ trước khi lăn dấu tay, và nó ít có ê chề đâu, bạn nên tin tôi. Cái vụ cải cách tên gọi và vài thứ khác đang làm giảm hết phong thái hầm hố của cái chữ ‘Sài Gòn’ cũng như con người ở đó. Sài Gòn là cái chốn mà bốn mùa là một thứ xa xỉ với tất cả sinh vật. Nhưng hai mùa mưa, nắng chả thấm tháp gì với những người quanh năm chỉ mặc một mảnh áo. Chẳng hạn như tôi, một thằng thiếu niên mười bốn tuổi to xác. Tôi hân hạnh mang đến cho bạn – kiểu giới thiệu của mấy thằng cha làm phim Hollywood hay nhai đi nhai lại, một câu truyện ngắn ảo diệu đã nêm nếm vào tuổi thơ lạt nhách của tôi chút màu sắc và hương vị.

*
Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt xưa phủ mờ(1)…
Ở nơi tôi sống, bạn sẽ được nghe những ca khúc kinh điển mỗi lần mở mắt dậy. Hoặc là bị đánh thức dậy. Mẹ kiếp! Một trong những buổi sáng tồi tệ của cuộc đời tôi. Âm nhạc đã tàn phá thời thơ ấu chết dẫm của tôi bằng cách này hay cách khác. Đại loại là những gì nó làm đã để lại những tổn thương không thể nào chữa lành được như việc tôi không bao giờ đạt điểm tốt trong môn Âm Nhạc ở trường.
Bạn có thể tưởng tượng viễn cảnh sau khi trải qua một đêm hè không thể nào nóng hơn được nữa. Cái giường èo uột được lót ván dùng tạm đung đưa mỗi lần tôi di chuyển. Tấm nệm cũ ướt đẫm mồ hôi đang bốc mùi nấm mốc và một mùi rất hãm từ cơ thể của một thằng mới lớn. Cây quạt máy hoen gỉ đóng đầy bụi bẩn bình thường vẫn ò è nay đã dừng làm việc. Mất điện. Tình trạng chung của khu dân cư thấp. Đóng tiền thì vẫn đều đều nhưng một tuần mất điện hai lần là chuyện thường ở huyện. Đôi lúc tôi nghĩ nên có ai đó giết ráo mấy thằng đi thu tiền điện.
Tạm thời gác ba cái chuyện điện nước qua một bên, não tôi đang muốn nổ tung vì cái giọng vịt đực ồ ồ của Đàm Vĩnh Hưng. Tôi lồm cồm bò dậy, lưng đau ê ẩm và toàn thân nhớp nháp. Tôi đập tay vào vách tường đầy vết ố nước mưa màu vàng sẫm, trông tởm lợm hết sức. Tôi nôn khan, gào lên bằng thứ tiếng ngoài hành tinh kì lạ:
“Bên đây có người đang ngủ thím ơi!”
“Ngủ cái đầu cha mày, sáng bảnh mắt ra rồi mà còn ngủ. Câm mẹ cái mồm trước khi tao treo bi mày lên cột điện, thằng ôn con.” Giọng đàn bà rít lên giữa những nốt nhạc như đâm sầm vào màng nhĩ tôi.
Vâng, một người hàng xóm dễ thương – thím hai mổ heo không chồng. Một người phụ nữ yêu màu tím thủy chung, thích nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng, Trường Vũ, Cẩm Ly. Luôn luôn xuất hiện với cái đầm ngủ màu hồng phớt có chấm bi và ống cuốn tóc màu tím tương xứng. Một người phụ nữ quá ngọt ngào với tất cả đàn ông không sợ đái đường hay thịt heo ươn. Nói chung mụ này không phải tuýp của tôi hay lão già bố tôi. Bố con tôi có một điểm chung duy nhất là đều ghét con mụ này.
Tôi bất lực lê thân ra khỏi phòng. Căn phòng rung rinh nhiều hơn mỗi khi tôi đặt chân xuống. Nó quá già, quá ốm yếu so với tôi. Tôi thường tưởng tượng mình là tên khổng lồ trong thế giới nhỏ bé, dơ bẩn của một thằng trâu nước mười bốn tuổi. Nơi mà một thằng nhóc có thể làm mọi thứ nó thích ngay khi khóa cửa lại. Như việc lén lút chơi những món đồ chơi sứt mẻ mà tôi ăn cắp được từ những đứa hàng xóm hồi tôi còn nhỏ tí. Cái thời mà chị tôi vẫn chưa đi làm gái mại dâm, bố tôi cờ bạc và cả nhà đang chết đói. Thứ duy nhất tôi có thể ăn vào thời điểm đó là sữa từ ngực mẹ tôi. Khi bà chết vì bệnh lao phổi, tôi không còn gì để ăn. Bố tôi nhận ra cờ bạc không mang lại số tiền ổn định đủ để chi trả mọi thứ, ổng ép chị tôi ngủ với khách. Bạn biết đó, việc nghe thấy chị mình bị làm nhục mỗi đêm ngay trên chiếc giường của mẹ mình, ngay trong phòng của mình. Và bây giờ tôi đang ngủ trên chiếc giường đó. Tôi yêu quý nơi này như một hộp quà, nhưng khi mở nắp hộp để bước ra ngoài, mọi thứ không còn đơn giản nữa.
Quả bóng nhựa xỉn màu lăn ra từ gầm giường, chạm vào chân tôi. Tôi nhấc nó ra khỏi sàn nhà tráng bê tông nhám xàm, phủi bụi sạch sẽ rồi đặt lên bàn học. Trên bàn toàn bày truyện tranh, hai chồng phía bên trái là Batman và Captain America, có vài cuốn Spider Man nằm lẫn lộn trong đó mà tôi lười tách ra. Chồng thứ ba vẫn đang dang dở thấp lè tè là Thor: God of Thunder. Tất cả số này đều là chú Thanh gửi cho tôi từ khi tôi lên sáu. Lúc đó, chú mới xuất ngoại vì may mắn nhận được học bổng. Mặc dù toàn là truyện tranh đã qua tay mấy lần, có cuốn giấy đã nhàu nhĩ và màu in mờ nhòe nhoẹt. Dù vậy, tôi trân trọng và nâng niu từng trang một. Bởi vì chú thường viết vào rìa sách mấy dòng thăm hỏi và tâm sự. Tôi cũng thắc mắc ghê gớm lắm cái lí do tại sao chú làm vậy nhưng lại không thể hồi âm cho chú. Dường như chú cũng biết, chú giải thích ngay sau đó rằng nếu làm vậy thì không cần phải tốn thêm phí gửi thư mà còn rất tiện để trò chuyện. Chú biết nếu có cuốn truyện tranh này tôi sẽ không bao giờ thèm bận tâm đụng đến phong thư của chú.
Chú kể cho tôi nghe mọi thứ trong cuộc sống hằng ngày của mình trên phần rìa trắng của từng trang truyện. Từng câu một, từ năm này sang năm khác, chú vẽ nên trong tôi một nước Mỹ tràn đầy sức sống và tự do. Rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một anh hùng. Chú gieo vào tâm hồn cằn cỗi từ bé của tôi một hạt giống mà tôi nghĩ nó sẽ không bao giờ nảy mầm một khi tôi còn ở cái chốn mạt hạng này.
Ngày qua ngày, tôi gặm nhắm một thứ mà người ta vẫn gọi là mặc cảm. Tôi thấy đó là sự đê hèn, nói đúng hơn, tôi sợ hãi mọi thứ. Tôi chui rúc trong cái thân xác to lớn này, nhìn mọi thứ xung quanh nhưng không đưa ra bất kì lời phán xét. Nếu bạn cần một con bù nhìn để trút bầu tâm sự, thì đó chính là tôi. Nhưng có vẻ không ai muốn làm điều đó. À! Trừ hai người. Một là thằng bạn của tôi, nó tên Trung, tôi sẽ giới thiệu nó với các bạn sớm thôi. Hai là chú Thanh, như tôi đã nói bên trên. Chú là một người tuyệt vời nhất tôi từng biết.
Tôi thở hắt, chỉnh lại quả banh yên vị rồi rời khỏi phòng càng sớm càng tốt.
*
Ngay khi cánh cửa phòng mở ra, mùi thuốc lá nồng nặc trong không khí khiến tôi ho sù sụ. Tôi ghét thuốc lá hiệu con mèo đỏ vì nó có mùi hôi như cú. Hoặc có thể là vì cả ông già và bà chị nhà tôi đều hút nó và họ đều hôi như cú nên nó đặc biệt bốc mùi nặng hơn. Tôi không hiểu tại sao người ta vẫn hút nó trong khi bên ngoài bao bìa đã in dòng khẩu hiệu ‘Thuốc lá có hại cho sức khỏe.’. Nhưng có vẻ chẳng ai thèm quan tâm. Chả thể nào hiểu được cách thức làm ăn của bọn thương nghiệp, nhưng tôi khuyên bạn không nên tin vào bất kì câu sờ-lô-gần nào của họ. Ví dụ điển hình bây giờ là kem đánh răng Close Up ‘Hơi thở thơm mát dài lâu’, hoàn toàn bịa đặt. Tôi đứng trước gương trong phòng tắm, cúi sát gần rồi thở một hơi nhẹ bằng mồm. Vị chua và mùi của thịt bò khô quá hạn công phá lỗ mũi tôi một cách dứt khoát, tôi giật đầu ra khỏi tấm gương ngay lập tức, tự nhiên ợ một cái ngon ơ.
Tôi đưa tay lau sạch sẽ làn hơi mờ đọng lại trên tấm gương để nhìn rõ ràng hơn. Môi dưới của tôi trầy trụa ghê gớm. Tôi liếm lên nó và nhận ra mùi kim loại rành rành trên đầu lưỡi mà nãy giờ tôi thậm chí còn không nghĩ là nó tồn tại. Rõ ràng, lí do là vì cơn mộng tinh đêm qua. Không cần thủ dâm hay bất cứ cái gì gần giống vậy, tôi vẫn sản xuất ra cái thứ làm nên nòi giống. Hiện tượng hiển nhiên ở một thằng trâu nước phát triển sớm và dư thừa năng lượng. Cũng nên tính luôn hiệu suất âm thanh rất ư là trung thực hằng đêm của các chị gái tác nghiệp ngay sát vách nhà.
Bước qua bồn cầu đã ố màu, tôi vội kéo cái quần tà lõn xuống ngang đầu gối. Tôi là một thằng có cái bàng quang khổng lồ, cũng phải đến năm phút sau mới hoàn thành việc thải nước của mình. Hớp bụng lần cuối, tôi cố vắt ‘cho đến giọt cuối cùng’ vì chiều nay còn có tiết học ở trường. Tôi thật sự không muốn đi vào phòng vệ sinh ở trường học mặc dù nó chẳng khác cái ở nhà là mấy. Bẩn, nhiều người dùng, là điểm giống nhau giữa cả hai. Nhưng cái khác nhau đó là ở nhà thì bạn không cần phải chạm mặt với mấy thằng bố láo chuyên đi bắt nạt và ít ra cũng không có ai cấm hút thuốc ở nhà để mà phải chui vào phòng vệ sinh hút lén. Chỉ có đôi khi, bạn sẽ bất ngờ bắt gặp ông già của tôi nằm ngủ ngon lành cạnh cái bồn cầu mà ngày nào mọi người cũng ngồi lên để giải quyết. Ổng có thể ngủ ở bất cứ đâu, vỉa hè, sân bãi, mái nhà, bất cứ chỗ nào ổng mò đến được trong lúc say xỉn. Ổng cũng thường biến mất mấy ngày, có khi cả tuần và sau đó lại xuất hiện. Tiếp tục đánh đập, chửi rủa, lấy đi từng cắc bạc cuối cùng mà chị để lại cho tôi. Chúng tôi sống lay lắt cả tuổi thơ của mình, những năm tháng không biết đến tờ năm chục bạc trông như thế nào. Tôi thậm chí chưa bao giờ chạm vào tờ tiền lớn hơn một trăm nghìn.
*
Bạn có biết một thứ được gọi là ‘xà bông đá’? Nó là loại xà bông chỉ có một mùi duy nhất, cũng không được đóng kín hộp giấy hay đề chiết suất từ bất kỳ cái gì trong thiên nhiên. Nó có độ cứng chứ không dễ thấm nước và mềm nhũn như xà bông xịn nên xài đỡ hao, được cái là rất rẻ. Một bánh xà bông dài khoảng hai gang tay và dày, mua về xắt thành cục, tắm gội, giặt giũ gì cũng dùng, xài mãi như vậy những một tháng mới chỉ hết một miếng. Đó là cái thứ mà coi bộ có ý nghĩa nhất trong tuổi thơ của tôi sau đống truyện tranh của chú Thanh.
Tôi chà sát xác mướp lên cục xà bông đá màu xanh, vò nó trong nước và cái mùi gai mũi quen thuộc lại hiện ra. Sau khi kì cọ sạch sẽ thân người, tôi xoa tí bọt còn dư lên cái đầu húi cua lởm chởm tóc rồi xả nước. Xong xuôi các thứ, tôi vội xỏ nhanh bộ đồng phục vào người, tôi lao ra ngoài với vận tốc ánh sáng. So với bên trong phòng tắm thì ngoài này là thiên đường, bạn nên biết đứng trong đó ngộp gần chết, người tôi vã cả mồ hôi rồi. Được cái, ban đầu chưa vào thì trông tôi như thằng cù bất cù bơ vừa chui ra từ cái xó xỉnh nào đó. Nhưng bây giờ thì sáng lạn, sạch sẽ, thông minh hẳn ra.
Căn nhà chỉ chừng chục mét vuông, bề ngang hẹp, bề dài cũng chẳng được bao nhiêu, cửa nẻo đóng kín suốt ngày, nắng cũng hiếm khi lọt qua được. Chỉ trừ cái khe dưới của cánh cửa chính là được chút ít ánh sáng may mắn rọi vào. Tôi có thể nhìn thấy hạt bụi bay lơ lửng giữa những tia sáng lẻ loi đang bị đè bẹp dí bên dưới vệ cửa.Với tay lấy cái cặp táp đã chuẩn bị từ tối, máng quai qua cổ, tôi đi một mạch đến cửa chính, tháo chốt cửa. Từ bé tôi đã thường tưởng tượng khi nhìn cánh cửa này từ xa. Có thể một ngày nào đó, một chiếc phi thuyền không gian, một ông tiên hay bất cứ cái gì có ánh sáng rực rỡ như mấy tia nắng bị đè bẹp dí dưới vệ cửa sẽ xuất hiện khi tôi mở nó và đưa tôi rời khỏi đây. Nhưng thường thì mấy chuyện thần thánh đó đếch bao giờ thành sự thật. Ngoại trừ một thứ rất thật. Là cái chói chang của những tia nắng hè làm mí mắt tôi nhíu chặt lại như một người vượn cổ mới bò ra khỏi hang động, và thứ ánh sáng văn minh này làm cho hắn ta hoảng hốt.
Tôi lật đật bóp ổ khóa rồi quay ra sân để tìm chiếc xe đạp cà tàng mà mọi người vẫn hay đùa là sản xuất từ thời kháng chiến của mình. Bạn có thể mường tượng ra nó thông qua tôi. Chiếc xe đạp trái ngược hoàn toàn với chủ của nó, một thằng trâu nước to béo. Nó là loại xe đạp không thắng, hai bánh xe to khủng bố dính lỏng lẻo vào bộ khung nhôm bị tróc sơn te tua chờ ngày tái chế. Ấy vậy mà bọn ăn cắp vặt xóm này vẫn thường dòm ngó đến nó. Tôi mà hớ hênh một phát, bọn nó sẽ tống cái xe đạp này lên cầu sắt bất cứ lúc nào có thể.
“Ê! Khang!” Người ta vẫn thường hay gọi nhầm tên tôi là ‘Kang’ thành ‘Khang’ vì hiếm ai biết tôi là con lai Hàn, có người còn từng tưởng tôi là ba tàu. Đại loại là tôi trông không giống Hàn Quốc, những người vẫn hay xuất hiện trên truyền hình các thứ, được mấy bà cô trong xóm đón xem mỗi buổi tối mặc dù quảng cáo chiếm hết hai phần ba thời lượng phát sóng một tập phim.
Tôi dắt xe đến chỗ cái giếng nước bơm. Chỗ mà thằng cha chủ xóm trọ Tư Báo đang ngồi lau lá dong. Thằng chả có bộ da cực oách như yakuza, hình xăm chi chít toàn thân.
“Kêu em có gì không anh hai?”
“Có mới kêu!” Thằng chả làm bộ mặt ‘Hỏi nhiều quá làm gì?’, hùng hổ đứng dậy. Cạp quần đùi bằng vải dù của ổng trễ xuống một chút làm lộ ra đám lông đen cứng cáp đang loi nhoi bên dưới. Trừ việc có quá nhiều hình xăm và sẹo lồi, tôi tin cơ thể tôi cũng sẽ hoàn hảo như thằng chả! “Tối nay mày rảnh phỏng?”
“Anh hai còn lạ gì lịch của em nữa, tất nhiên là rảnh.” Nếu không rảnh thì lấy cái gì đấm vào mồm?
“Được rồi, tao chỉ lo thằng ông già mày không rảnh. Táy máy tay chân vào chỗ tao làm ăn là tao không có để yên cho ổng đâu, nghe chưa?” Thằng chả trừng mắt gằn mấy tiếng.
“Dạ dạ, em biết.” Tại sao lại cảnh cáo tôi chứ? Tôi có phải thằng già hay mò qua chỗ mấy ‘gái’ của thằng chả để quấy phá đâu.
Thằng chả gật đầu: “Tối nay mày phụ trách đồ đạc các thứ khu này cho anh. Được không?”
“Không.”
Cái giọng chua như giấm đột nhiên lảnh lót đằng sau. Tôi đoán ra ngay là con mụ Gái Lành, bạn đồng nghiệp của bà chị tôi. Hai bả cùng tuổi nhau, chị tôi không được mặn mà như bả nhưng đời bả éo le dữ lắm. Bả có hai đứa con trai rồi nhưng cưới nhầm lão chồng kế chẳng có nghề ngỗng gì ráo. Thế là ổng bả bàn nhau thế nào lại để lão đi dẫn khách cho bả. Một mình bả nuôi bốn miệng ăn trong nhà và có phần hung dữ hơn chị tôi. Chị tôi hay nói làm cái nghề này việc đếch gì phải hiền lành, nó dám ăn thì phải dám trả tiền, đếch có tiền thì bị đập cho tới khi nào lòi tiền ra. Đại loại vậy, tôi nhắm mình sẽ không chơi gái kể từ khi hiểu ra cái chân lý đó.
Hình như tôi đã quên giới thiệu về chị tôi với các bạn. Bả không giống như mụ Gái Lành về cái khoản chiều chồng, chiều con. Bả có thể cạo đầu bạn nếu bạn động đến cái móng tay của bả. Tôi từng bị dần cho một trận ra trò ngay giữa thanh thiên bạch nhật vì tội động vào đồ đạc của bả. Bả thích ăn mấy món chua đau đớn như xoài sống nên tánh tình bả cũng chua chả kém. Tôi không muốn nhắc đến việc này, nhưng căn bệnh đó là cú sốc lớn nhất bả từng gặp phải. Đến nỗi bây giờ, nếu bạn nhắc đến nó trước mặt bả, chắc chắn bả sẽ móc mắt bạn bằng một cái thìa hoặc mấy thứ kinh dị đại loại vậy. Bả có cá tính và mạnh mẽ như cọp cái, không bao giờ phải để người ta hỏi thăm mặc dù mấy cái hạch vẫn hành bả suốt. Bả ít nói lắm trừ những lúc say bét nhè và không còn nhận ra có tôi đang đứng thù lù một đống ở đó. Đa số những gì bả phun ra khỏi miệng không ngoài mấy tiếng chửi thề quen thuộc.
“Lại chuyện gì nữa đây?” Thằng chả trừng mắt ngay lập tức.
“Đâu, em làm được mà, cứ để em, em làm mãi rồi mà.” Tôi hắng giọng, nhanh chóng đồng ý cho xong chuyện. Mấy người này rách việc ghê gớm.
“Ờ! Đùa chút, làm gì ghê thế anh hai.” Mụ Gái Lành cười giả lả.
Cha Tư Báo chẳng thèm quan tâm đến bả, hất mặt về đống lá dong thằng chả mới rửa sạch sẽ, nói với tôi: “Mày đem cái này qua cho Má gói bánh giùm anh đi.”
“Okay!” Tôi nói. Thằng chả và con mẹ Gái Lành phì cười như thể có cái gì hài hước khủng khiếp. Sao bọn họ không thôi cái việc giễu cợt khi tôi nói tiếng Anh đi?
“Ráng học cho giỏi mai mốt dắt khách Tây về cho chị mày nghe chưa.” Mụ Gái Lành châm chọc khi tôi dựng cái xe đạp cà tàng của mình dựa vào giếng nước bơm.
Cả hai người huyên thuyên thứ gì đó nhảm nhí về tôi mà tôi cũng đếch thèm để tâm. Tôi đem mớ lá dong còn ướt đến chỗ Má Hai. Má ngồi thong dong dưới cái mái hiên đổ nát lót tạm mấy bao tải phân bón đang bốc mùi nước mưa ẩm mốc. Gạch thềm bằng đất sét màu nâu đỏ từ mấy năm chín mươi đóng rêu xanh rờn và nhầy nhụa. Góc tường nồng nặc mùi nước đái khai ngáy. Cơn mưa tối qua làm mọi thứ ở đây toát ra cái hương vị đặc trưng riêng của nó khi nắng hè bắt đầu thiêu đốt.
Vầng không khí lăn tăn quanh mái tôn giòn vì sức nóng. Tôi khép hờ mi mắt để nhìn lên trời. Bầu trời xanh biếc, không gợn mây, không gió. Chỉ có ánh nắng tồn tại giữa những cao ốc chót vót đằng xa, không cây cối hay chim muông.
“Hôm nay chắc oi lắm!” Má Hai nhìn tôi nói.
Chắc vậy! Tôi tự nhủ, không trả lời Má tiếng nào.
Bỗng nhiên cái mùi ngầy ngậy, beo béo làm nước bọt tôi tiết ra ào ạt. Tiếng dép kẹp lạch bạch hối hả của chị Hiền – con gái Má, từ trong nhà chạy ra. Hai tay chị khệ nệ bưng một nồi to tướng đậu xanh ngào đường thơm nức mũi. Chị để cái nồi qua một bên rồi ngồi phịch xuống hiên nhà cạnh má. Chị cười cười như người mất hồn. Trông chị điên lắm, tóc tai rũ rượi, còn tay chân thì cứng đơ. Ấy vậy mà chị rất ngoan. Chị vốn không điên nhưng người ta làm chị điên. Chị bị cưỡng hiếp lúc mới mười lăm tuổi. Bọn nó đánh chị suýt chết, may mà người ta cứu được. Chị chết hụt một lần, về sau thì điên hẳn.
“Hôm nay Má lại gói bánh gì đó?” Tôi đặt đống lá xuống cạnh Má.
“Bánh ú lá dong(2), hôm nay Tết Đoan Ngọ mà. Không nhớ hả?” Má nói, trong giọng có chút trách cứ. Thật sự, lễ tết là một thứ gì đó quá xa lạ với gia đình tôi.
“Ừm… Ra vậy.”
Tôi ngồi xổm xuống một lúc để xem Má gói bánh và cà kê dê ngỗng mấy thứ dở hơi cám lợn, mãi đến giữa trưa mới xách xe đạp ra khỏi xóm được. Cái xe đạp cà tàng gánh cả cái thân bồ tượng của tôi kêu lộc cộc trên đường đá. Mới hôm qua đây thôi, người ta đến lấp đá đầy cả hẻm, bảo sẽ tráng nhựa sớm nhất có thể. Nhưng sớm đâu mà sớm, có khi dăm bữa nửa tháng chả thấy ma nào đến làm. Đi cái kiểu đường này, bánh xe nào mà chịu thấu. Tôi không ưa bọn nhà nước, phường quận, người ta có tiền bạc ăn sung mặc sướng nên có bao giờ nhớ đến mấy người xoàng xĩnh này.
*
Tôi phải đến bưu điện quận để hỏi thăm về bưu kiện của chú tôi. Mấy cái bưu kiện từ nước ngoài này nọ thường hay bị thất lạc trong quá trình phân phát từ bưu điện thành phố. Và tôi cá với bạn rằng nếu bạn không tự thân vận động thì đồ của bạn không bao giờ về đến tay bạn được đâu. Đó là kinh nghiệm xương máu mấy năm trời của tôi. Đến nỗi ông già bán keo dán và Sing-gum các thứ trước bưu điện đã lờn mặt tôi luôn, mấy bà làm việc trong đó cũng thường cho tôi mang bưu kiện về nhà ngay mà không cần chờ chuyển phát.
Sau khi gửi xe xong xuôi, tôi đến trước quầy làm việc của bà Thủy, người mà hồi đó đã từng bị tôi làm nổi điên mấy lần. Bả đã bốn mươi rồi mà người ta vẫn bắt bả mặc cái áo dài màu xanh chẳng hợp với màu mắt bả gì hết.
“Dì ơi, con nè, nhớ con hông? Mới một tuần không gặp nhìn đẹp ra hẳn luôn.” Tôi nịnh bợ mấy câu rồi hớn hở vào vấn đề chính. “Có chưa, có chưa?!”
Bả thở dài, muốn cười lắm đó mà nhịn. Bả nói, không thèm nhìn tôi: “Có rồi, sớm hơn mấy bữa nửa tháng. Tôi đưa cho ông già kia rồi, ra ngoài lấy đi ông tướng.”
“Cám ơn dì Thủy nha!” Nói xong, tôi chạy một mạch ra ngoài lấy xe đạp.
Trên đường ra cổng tôi đi ngang ông già để nhận bưu kiện, sẵn tiện mua cho ổng một tép Sing-gum. Bưu kiện lần này của chú Thanh hình như không phải truyện tranh, lại còn khá nặng, lắc lắc cái hộp cũng không nghe nó cục cựa. Kì lạ hơn là chú Thanh đó giờ không bao giờ viết thư lại gửi cho tôi một phong thư khá dày và cứng, được gói kĩ càng trong giấy gói màu nâu đề rõ ràng địa chỉ 223B Virgina, New York. Còn có con tem hình lá cờ Mỹ đậm chất của chú không lẫn vào đâu được. Tôi nhanh chóng cho hai món vào cặp táp rồi rời khỏi bưu điện.
Đường xá giữa trưa cũng đông đáo để, nào là kèn xe, khói bụi, rồi nay còn có thêm mấy thằng tình nguyện viên tuýt còi liên tục. Tôi không hiểu tại sao xã hội này vẫn còn lắm người ăn no rửng mỡ tới vậy. Đi làm ba cái này vừa không có tiền, vừa chuốc cực vào thân mà còn không được tôn trọng. Chẳng hạn là không được mấy thằng như tôi tôn trọng. Đèn xanh bật, tôi rẽ phải, đường đầy xe máy phóng ẩu nên xe đạp cà tàng như tôi phải đi tấp vào lề.
*
Giờ này tôi lại vòng về trường để học nốt tiết buổi chiều. Nhưng trước tiên tôi muốn đến thăm chỗ này đã. Bạn còn nhớ việc tôi thích truyện tranh chứ? Đúng vậy, tôi còn thích vẽ nữa. Nhưng tôi ít khi có cơ hội sử dụng màu vì đơn giản là tôi không có tiền mua chúng. Chúng tôi, đại loại là tôi với mấy tên bạn đã chuyển sang vẽ tường như bọn graffiti vì tôi có thể xài ké bình xịt của bọn nó. Chỗ mà chúng tôi chọn để tác nghiệp là một nơi khá khuất bóng bọn dân phòng, địa thế cũng ổn, dễ đến dễ đi, quan trọng là bạn sẽ không bất ngờ đạp trúng một cái ống chích nào gần đó.
Kì lạ! Tại sao hai thằng điên kia lại xuất hiện ở đây. Bọn nó lái chiếc Wave chế banh phụ tùng, nhìn tôi bằng cặp mắt khinh khỉnh của những thằng đi xe máy nhìn một thằng cuốc chiếc xe đạp cà tàng. Tôi đếch quan tâm đến bọn nó, cố đạp cho qua thật nhanh nhưng tôi nghe bọn nó réo lên từ đằng sau.
“Thằng chó mồ côi, lũ chúng mày chỉ là thứ bắt chước!”

Bọn tao đếch phải lũ bắt chước, đồ chó má. Tôi thầm lẩm bẩm, thật đáng ghét. Hai thằng khốn nạn đó là cái bọn mà tôi đã và đang cố gắng tránh xa trong trường học. Bọn nó chưa bao giờ bắt nạt tôi bằng cách đánh đập hay mấy thứ đại loại vậy, nhưng thằng Trung thường bị bọn nó tẩn bầm dập.

Leave a comment